Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam giải quyết tốt bài toán “ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ”
Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam là một trong những công ty có bề dày lịch sử trong sản xuất, kinh doanh hóa chất cơ bản. Chính thức hoạt động từ năm 1976, đến nay Công ty đã có thị phần và vị thế nhất định trong lĩnh vực sản xuất hóa chất cơ bản. Trải qua 44 năm, cùng với những chuyển biến và đi lên không ngừng của nền kinh tế đất nước, Công ty Cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam vượt qua bao khó khăn, phát huy truyền thống đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ đưa công ty ngày càng phát triển, góp phần vào việc ổn định và phát triển Kinh tế – Xã hội của đất nước. Trong đó công tác “đầu tư công nghệ” là một vấn đề đã được các thế hệ lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên công ty làm tốt và đã đạt được những thành công nhất định trong thời gian qua.
Những năm sau ngày đất nước được thống nhất (giai đoạn 1976 – 1985): Tình hình kinh tế xã hội của cả nước còn bộn bề gian khó, cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn. Môi trường sản xuất – kinh doanh bị trói buộc bởi quan hệ sản xuất bao cấp trong thời gian rất dài, từ đó không phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất – kinh doanh, vai trò của tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa được coi trọng đúng mức. Lực lượng sản xuất bị kìm hãm, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm kém, đời sống của người lao động thấp.
Trước những khó khăn thách thức đó, đón ngọn gió đổi mới từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, quán triệt Nghị quyết Hội nghị TW7 về vấn đề Công nghiệp hoá – hiện đại hóa đất nước, với nền tảng của lòng yêu nước, của tinh thần làm chủ tập thể, toàn thể CB–CNV Công ty đã vững vàng đón nhận sự chuyển đổi từng bước từ nền kinh tế mang nặng tính bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hàng loạt các hoạt động về đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, cải tiến máy móc, thiết bị, hợp lý hóa quá trình sản xuất nhằm nâng sản lượng, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường được Công ty triển khai quyết liệt để đáp ứng yêu cầu qui luật cạnh tranh của cơ chế thị trường.
Trong nhiều vấn đề trên thì công tác giải quyết bài toán “Đầu tư công nghệ” được công ty đánh giá là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành bại của Công ty, vì vậy hàng loạt các yêu cầu đã được đặt ra về việc lựa chọn công nghệ để đầu tư cho các dự án đầu tư mới phải đáp ứng các yêu cầu:
- Công nghệ đầu tư mới phải hiện đại, mức độ tự động hóa cao, sử dụng vật liệu mới có tính ưu việt;
- Chất lượng sản phẩm tốt, ổn định, có ưu thế cạnh tranh về chất lượng;
- Chi phí vận hành thấp;
- Tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên vật liệu;
- Dây chuyền sản xuất hoạt động ổn định, đạt công suất thiết kế;
- Tuổi thọ thiết bị cao, hoạt động bảo đảm an toàn;
- Đảm bảo các tiêu chuẩn phát thải bảo vệ môi trường;
Hiện nay, dây chuyền sản xuất xút-clo của Công ty sử dụng công nghệ điện phân màng trao đổi ion là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay do thyssenkrupp Uhde Chlorine Engineers (Italia) S.r.l (tkUCE) cung cấp với thế hệ bình điện phân BM2.7 gen 6 là thế hệ mới nhất, hiện đại nhất, đảm bảo phát huy tối ưu về công suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao và ổn định hoàn toàn đáp ứng phù hợp tiêu chuẩn Food Chemical Codex và hóa chất phụ gia thực phẩm, chi phí sản xuất tiêu hao điện năng giảm, đảm bảo cao nhất về an toàn môi sinh, môi trường, hiện đại và tự động hóa toàn bộ. Các giai đoạn đầu tư trong những năm qua như sau:
- Bắt đầu từ năm 1993, Công ty đã triển khai đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất xút theo công nghệ màng trao đổi ion (là công nghệ hiện đại nhất trên thế giới trong thời gian này) có công suất khởi điểm là 500 tấn xút 100% NaOH/năm, theo hình thức đầu tư mới và loại bỏ toàn bộ dây chuyền điện phân cũ. Đây là công trình đầu tư mang tính đột phá, từ đó tạo động lực để Công ty tiếp tục đầu tư và cải tạo nâng công suất tất cả các dây chuyền sản xuất sản phẩm khác trong toàn Công ty. Những năm về sau Công ty tiếp tục đầu tư hoàn thiện nâng công suất xút lên 10.000 tấn/năm, tiếp đó nâng công suất lên 15.000 tấn/năm – thế hệ bình điện phân DD350 và 20.000 tấn/năm (trong đó 5.000 tấn/năm là thế hệ bình điện phân BM2.7 Gen 3; và nâng công suất axit clohydric 32% từ 16.000 tấn/năm lên 56.000 tấn/năm; kèm theo đó là đầu tư thiết bị công nghệ, các dây chuyền sản xuất để giải quyết bài toán cân bằng xút – clo, như nâng công suất các sản phẩm: clo lỏng từ 1.750 tấn/năm lên 8.400 tấn/năm, silicate lên 18.000 tấn/năm…. Năm 2010 Công ty đã nâng công suất xút lên 30.000 tấn/năm – tiếp tục đầu tư thế hệ bình điện phân BM2.7 gen 3, đồng bộ nâng công suất axit clohydric lên 75.000 tấn/năm, nâng công suất silicate lên 30.000 tấn/năm. Năm 2019 công ty nâng công suất dây chuyền xút lên 40.000 tấn/năm và hiện nay công ty đang đầu tư nâng công suất xút lên 50.000 tấn/năm với cùng thế hệ bình điện phân BM2.7 gen 6 là thế hệ mới nhất, hiện đại nhất hiện nay.
- Bên cạnh đó vào năm 2005, thực hiện chủ trương di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi khu dân cư của UBND TP.HCM, trong quá trình di dời nhà máy Hóa chất Tân Bình (TP.HCM) về khu công nghiệp Biên Hòa 1 tỉnh Đồng Nai. Công ty đã mạnh dạng mở rộng công suất sản xuất axit sulfuric lên 60.000 tấn/năm với công nghệ tiên tiến tiếp xúc kép (3×2), khả năng thu hồi nhiệt thừa tận dụng nhiệt của dây chuyền để sản xuất hơi nước hiệu quả cao, sử dụng thiết bị thế hệ mới, vật liệu thế hệ mới chịu ăn mòn trong môi trường đặc thù axit sulfuric nồng độ và nhiệt độ cao, dây chuyền được trang bị hệ thống điều khiển tự động DCS. Kết quả dây chuyền này tạo ra sản phẩm chất lượng rất tốt so với các nhà máy sản xuất axit sunfuric hiện nay ở Việt Nam, dây chuyền vận hành ổn định, phát huy 100% công suất thiết kế; đặc biệt chu kỳ vận hành được duy trì đến 3 năm, giảm thiểu thời gian ngưng máy sửa chữa duy tu dây chuyền đến 3 lần so với dây chuyền trước đây của Công ty.
- Ngoài đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất xút – Clo, Công ty cũng nghiên cứu công nghệ đầu tư sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như: PAC; axit phosphoric kỹ thuật và thực phẩm; axit sunfuric tinh khiết; các sản phẩm chất lượng cao khác dùng trong ngành thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm…
Định hướng công nghệ sản xuất trong giai đoạn 2020-2025, công ty dự định sẽ triển khai một số nhiệm vụ:
- “Nghiên cứu công nghệ và triển khai sản xuất các sản phẩm gốc Clo” tạo sản phẩm mới, giải quyết hiệu quả hơn nữa bài toán cân bằng Xút-Clo, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm cụ thể như Chloramine B; Trichloroisocyanuric acid (TCCA).
- “Nghiên cứu công nghệ sử dụng nguồn nhiệt trong quá trình phản ứng tổng hợp axit HCl, để sản xuất hơi nước” giải quyết bài toán tận dụng nguồn nhiệt hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đánh giá tiềm năng, triển vọng phát triển của đơn vị nhờ giải quyết tốt bài toán “đầu tư công nghệ”:
Nhu cầu thị trường trong nước về các sản phẩm Xút – Clo là rất lớn. Sự phát triển các ngành công nghiệp liên quan tạo điều kiện để Công ty tăng công suất các dây chuyền sản xuất và mở rộng các loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sản phẩm của Công ty được sản xuất trên dây chuyền, công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm cao, ổn định đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các ngành sản xuất thực phẩm, hóa dược, điện tử… nên luôn được khách hàng tin cậy và đánh giá cao. Nhất là đối với các khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng.
Các dây chuyền sản xuất xút – clo, axit của công ty có công nghệ, thiết bị chính được cung cấp từ các nhà sản xuất hóa chất nổi tiếng thuộc các nước Châu Âu/G7 với công nghệ sản xuất hiện đại tiên tiến nên chất lượng của các sản phẩm như xút, axit clohydric, axit sulfuric và nhiều sản phẩm khác của công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng tốt (vượt TCVN).
Chính nhờ sự mạnh dạn tập trung đầu tư đổi mới công nghệ và nâng công suất các dây chuyền sản xuất sản phẩm nên các sản phẩm do Công ty sản xuất có chất lượng sản phẩm ổn định, đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh của thị trường cả về số lượng, chất lượng và giá cả, được khách hàng chấp nhận và đạt hiệu quả cao, lợi nhuận năm sau đều cao hơn năm trước, góp phần làm cho chỉ tiêu về giá trị tổng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ nộp ngân sách đối với Nhà nước. Đáng chú ý là đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc và ý thức của người lao động không ngừng được nâng cao theo mặt bằng chung của khu vực.
Trong tình hình kinh tế có rất nhiều biến động, diễn biến phức tạp như hiện nay, nhưng nhờ vào nền tảng hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất luôn được chú trọng đầu tư đổi mới, áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nên hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn luôn phát triển ổn định nên thu nhập người lao động trong Công ty luôn bảo đảm và được đánh giá là tốt so với các doanh nghiệp trong nước sản xuất và kinh doanh cùng ngành hàng, điều này chứng tỏ sự thay đổi và thích nghi của Công ty trước những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế đất nước. Với sự cố gắng của toàn Công ty và được sự quan tâm hỗ trợ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong hơn 5 năm trở lại đây thu nhập của người lao động đều đạt mức cao.
Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, Công ty đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược, trong đó nổi bật là việc huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp mở rộng dây chuyền sản xuất sử dụng công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, định hướng sản phẩm của công ty hướng đến khách hàng ngành thực phẩm, dược phẩm và phụ gia thực phẩm, sẵn sàng cho các kế hoạch mở rộng và phát triển trong tương lai.
Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam